Những Hoạt Động Làm Cùng Bé Trong Ngày Tết Đoan Ngọ

Vui Học -
Những Hoạt Động Làm Cùng Bé Trong Ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ là một trong những dịp lễ quan trọng đối với tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc ta. Vào ngày này, mọi người sẽ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chọn những món ngon dâng lên ông bà tổ tiên. Với các bé, Tết Đoan Ngọ có rất nhiều điều lạ lẫm cần được lý giải. Hôm nay, POPS Kids sẽ cùng bạn và bé đi tìm nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ và mách bạn những hoạt động làm cùng bé để tạo không khí mới trong ngày đặc biệt này nhé. Nào cùng xem ngay!

Nguồn gốc và nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi Tết Đan Dương thường được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây được xem là dịp lễ cổ truyền rất quan trọng ở nhiều quốc gia như: Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Theo phiên âm, Đoan có nghĩa là mở đầu còn chữ Ngọ là chỉ thời gian từ 11 giờ đến 1 giờ trưa. Do đó, ăn mừng Tết Đoan Ngọ thường vào khoảng thời gian giữa trưa đến xế chiều. Ở nhiều miền quê Việt Nam, Tết Đoan Ngọ rất được coi trọng. Mọi người xem đây là cái tết thứ hai báo hiệu cho một mùa màng sung túc, con cháu ở xa cũng nên quay về sum vầy. 

Tết Đoan Ngọ là nét văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Tết Đoan Ngọ là nét văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ có rất nhiều giai thoại. Theo dân gian lưu truyền, dân ta sau vụ Chiêm đều tổ chức ăn mừng mùa màng bội thu. Nhưng năm ấy sâu bọ bỗng kéo đến phá hoại. Người dân không biết phải làm sao để diệt trừ hết chúng. Bỗng có một ông lão từ xa đi đến tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho người dân cách bày mâm cúng. Sau khi làm theo lời ông lão, sâu bọ cũng theo đó biến mất. Vì thế, Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn được nhiều người gọi thành Tết Diệt Sâu Bọ.

Những hoạt động ba mẹ cùng bé trải nghiệm nhân ngày Tết Đoan Ngọ

Đối với người dân Việt, Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa rất to lớn. Bởi nước ta là nước nông nghiệp, nguồn kinh tế chính đến từ trồng trọt và chăn nuôi. Tết Đoan Ngọ chính là khoản thời gian để con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, cầu mong cho một mùa vụ sung túc. 

Đây cũng là lúc thời tiết giao mùa và dễ phát sinh bệnh. Nhiều người tâm niệm Tết Diệt Sâu Bọ cần tổ chức cúng kiến để xua đuổi tà ma, giúp cho con cháu khỏe mạnh. Tết Đoan Ngọ còn là dịp để con cháu quây quần bên gia đình.

Có thể thấy, Tết Đoan Ngọ là nét truyền thống quý báu được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Để tiếp nối và giữ gìn tinh hoa văn hóa, bạn nên cho bé tham gia các hoạt động của gia đình vào ngày này. Khi đó, bé sẽ hiểu và có ý thức xem trọng ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Một số hoạt động ba mẹ cùng bé trải nghiệm nhân ngày Tết Đoan Ngọ như:

Bày mâm cúng tổ tiên

Dân ta có tập tục thờ cúng tổ tiên, đây là cách bày tỏ sự tôn kính dành cho thế hệ đi trước. Mỗi nhà sẽ có cách chuẩn bị mâm lễ và chọn lễ vật dâng lên khác nhau. Mâm cúng còn ảnh hưởng từ văn hóa vùng miền.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ được trình bày tùy theo văn hóa vùng miền
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ được trình bày tùy theo văn hóa vùng miền
  • Ở miền Bắc, cỗ cúng thường có: bánh tro (bánh gio), rượu nếp cẩm, cơm rượu nếp cái hoa vàng,…
  • Mâm cúng miền Trung bao gồm: cơm rượu, thịt vịt và chè kê.
  • Miền Nam thường dâng lễ vật như: bánh ú Bá Trạng, chè trôi nước, cơm rượu.

Mẹ có thể cho bé phụ soạn mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Bạn nên phân công cho bé những việc vừa sức để rèn luyện cho con tính tự lập và biết phụ giúp mọi người. 

>>>Xem thêm: Những Điều Quan Trọng Nên Dạy Trẻ Vào Ngày Tết 2022

Làm những món ăn truyền thống

Trong Tết Đoan Ngọ có rất nhiều món ăn ngon và độc đáo. Mỗi món ăn đều mang ý nghĩa khác nhau. Một số món ăn truyền thống thường có mặt trong dịp Đoan Ngọ như:

  • Chè trôi nước: ngụ ý mọi chuyện suôn sẻ, tròn đầy. Các viên chè ngũ sắc làm từ gạo nếp cũng thể hiện mùa màng bội thu. Hương vị chè ngọt thanh, có vị gừng làm ấm phổi, xua đuổi cảm mạo.
  • Cơm rượu, rượu nếp: là món không thể thiếu trong mâm cúng ngày Đoan Ngọ. Rượu có công dụng tốt cho hệ tiêu hóa, diệt đi ký sinh trùng trùng trong đường ruột.
  • Bánh tro: được làm từ gạo nếp ngâm với nước tro. Bên ngoài bánh được quấn lá chuối rồi đem nấu chín. Khi ăn, da bánh dẻo quyện với nhân đậu ngọt bùi.
  • Bánh ú Bá Trạng: có cách làm tương tự như bánh tro, nhưng gạo chỉ cần ngâm rửa rồi nấu. Nhân bên trong phong phú hơn: lạp xưởng, tôm khô, thịt lợn, đậu xanh đồ nhuyễn,…
  • Chè kê: là món ăn đặc trưng của người dân xứ Huế. Hạt kê được ngâm rửa sạch, loại bỏ vỏ và mang đi nấu chín nhừ. 
  • Một số miền quê Tây Nam Bộ còn đổ bánh xèo, bánh khọt với các loại nhân lấy từ nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà: nhân củ hủ dừa, giá đỗ, củ sắn và thịt vịt, thịt heo, tôm,…
Bánh tro - món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ
Bánh tro – món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ

Mẹ và bé có thể cùng nhau thực hiện một vài món ăn truyền thống. Khi làm, mẹ nên ân cần dạy cho bé các bước thực hiện để giữ an toàn, tránh cho bé dùng dao hay đến gần nước sôi. 

>>>Xem thêm: Top 10 Trò Chơi Dân Gian Ngày Tết Cho Trẻ Em 2022

Treo bó lá trước cửa nhà

Tết Đoan Ngọ thường không thể thiếu tục treo bó lá trước cửa nhà. Người xưa tâm niệm bó lá này sẽ xua đuổi điềm gở, không cho tà ma, dịch bệnh vào nhà. Bó lá thường dùng các loại như: lá ngải cứu, xương bồ,…

Theo Đông y, lá ngải xà xương bồ có mùi nồng, tinh dầu phát ra có thể diệt các loại côn trùng và nấm mốc, vi khuẩn có hại trong không khí. Vì thế, bó lá góp phần bảo vệ cho sức khỏe mọi người.

Cha mẹ có thể cùng bé đi mua hoặc hái lá. Bạn hãy thử phân công bé đi rửa lá rồi ngồi bó cùng nhau. Việc này sẽ giúp con thêm hứng thú và hiểu sâu hơn ý nghĩa của việc treo bó lá trước của.

“Diệt sâu bọ” trong ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ trùng vào thời điểm tiết trời giao thoa. Giai đoạn đầu mùa, không khí ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây bệnh. Do đó, cha mẹ hãy cùng bé dọn dẹp nhà cửa, khử trùng các vật dụng. Giữ vệ sinh môi trường sống là cách tốt nhất loại bỏ nơi trú ngụ của các mầm bệnh, đặc biệt là ruồi muỗi.

Ngoài ý nghĩa diệt trừ sâu bọ bên ngoài, mọi người hãy cùng bé “diệt trừ sâu bọ” bên trong cơ thể. Đó là cùng nhau ăn những món có lợi cho sức khỏe. Nên ăn những trái cây giàu vitamin C để tránh cúm đầu mùa. Mẹ có thể dùng thịt vịt nấu cháo để cho bé. Thịt vịt tính hàn sẽ tiêu trừ nhiệt bên trong, còn cháo sẽ giữ cho cơ thể không bị khí lạnh bên ngoài xâm nhập. 

Nhưng cha mẹ nên lưu ý không cho trẻ dùng cơm rượu vì có thể ảnh hưởng đường ruột và hệ thần kinh. Với các bé nhỏ độ tuổi mầm non hay tiểu học, cha mẹ cần lưu ý việc cho còn dùng trái cây có hạt. Không nên cho con ăn quá nhiều sẽ gây khó tiêu. Gia đình có thể để bé tự do sinh hoạt và trải nghiệm các hoạt động trong Tết Đoan Ngọ. Nhưng bạn hãy chú ý để bé trong tầm quan sát.

Những món ăn có lợi cho sức khỏe trong Tết Đoan Ngọ
Những món ăn có lợi cho sức khỏe trong Tết Đoan Ngọ

Quây quần nghe kể chuyện

Tết Đoan Ngọ sẽ thêm ý nghĩa khi mọi người cùng nhau quây quần kể chuyện. Bạn có thể để bé nghe ông bà nói về những tập tục thời xưa, kể về nguồn gốc ngày Tết Đoan Ngọ. Hoặc bạn có thể chuẩn bị các câu chuyện cổ tích như: cây nêu ngày tết, sự tích bánh chưng bánh dày, câu chuyện bó đũa,…

Thời gian nghe kể chuyện sẽ giải đáp được những tò mò về sự vật xung quanh. Tâm hồn bé cũng được nuôi dưỡng và bồi đắp thêm những giá trị tinh thần đẹp đẽ.

>>>Xem thêm: 10 Bài Hát Về Gia Đình Cho Thiếu Nhi Hay Nhất

Như vậy, Tết Đoan Ngọ mang trong mình nhiều giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Là con cháu, chúng ta cần gìn giữ và tiếp nối những giá trị văn hóa mà ông bà ta đã lưu truyền. Giáo dục con trẻ về ý nghĩa Tết Đoan Ngọ và cùng tham gia các hoạt động ngày này là cách để trẻ ghi nhớ và thêm tự hào về phong tục tập quán của quê hương. Theo dõi POPS Kids để cập nhật nhiều thông tin hữu ích nhé!

  • TẢI POPS KIDS