14 Bài Thơ Về Chủ Đề Hòa Bình Hay Và Đầy Ý Nghĩa

Vui Học -
Thơ về hoà bình

Hòa bình được định nghĩa một cách đơn giản là sự bình yên, ổn định, không có xung đột, là sự yên ổn trong cuộc sống mỗi người, là sự độc tập tự do toàn vẹn của một đất nước. Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh mà còn là cuộc sống của mỗi người đều được sống yên bình. Ngoài ra, hòa bình còn có thể hiểu là sự thanh thản trong tâm trí, trạng thái bình tĩnh thinh lặng để suy nghĩ về cuộc sống và nó bắt nguồn từ mỗi chúng ta. Vậy nên, POPS Kids mang lại chùm thơ gồm các bài thơ về hòa bình để các em nhỏ hiểu thêm phần nào về hai từ này.

1. Hòa Bình

Tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

“Sáng nay vừa thức dậy

Nghe tin em gục ngã

Nơi chiến trường

Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình

Khóm tường vi vẫn nở thêm một đoá

Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở

Nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng điều tôi ước mơ?”

Hòa Bình là bài thơ do thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng tác năm 1964 nằm trong tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, bao gồm những bài thơ kêu gọi hòa bình cho Việt Nam lúc bấy giờ. Bài thơ với hai hình ảnh tương phản một bên đang đã hy sinh gục ngã trên chiến trường một bên lại thấy một đóa hoa, một sinh mạng mới sinh ra trong vườn nhà. 

Những người anh hùng đã ngã xuống để mang lại một cuộc sống hòa bình, sự an tĩnh tường hòa nơi hậu phương như trong mơ ước của bao người. Những người sống sót vẫn sống, vẫn ăn, vẫn hít thở khí trời những biết khi nào mới đạt được ước mơ hòa bình, ước mơ kết thúc những cuộc chiến tranh vô nghĩa. Bài thơ mang lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho người đọc, mường tượng ra khung cảnh hòa bình trong suy nghĩ của mỗi người.

2. Mùa nhân loại mang áo mới

Sáng tác: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

“Tôi đến đây trong u tịch rừng sâu

Ngồi lắng hết tâm linh vào cảnh vật

Trời thanh tịnh quá! nắng chiều đang tắt

Cả rừng cây lặng lẽ đứng trang nghiêm

Cảnh thiên nhiên trong giờ phút êm đềm

Đã xâm chiếm. Để tâm hồn xúc động,

Tôi suy nghĩ miên man về cuộc sống

Đầy đau thương sầu khổ của nhân gian:

Ai đã ra tay rẽ nghé, chia đàn?

Trời! cuộc sống tang thương và đẫm máu!

Tiếng sinh linh kêu mười phương chưa thấu

Tiếng say cuồng của bạo lực vô minh

Tôi ngồi yên nghe tất cả bất bình

Lắng đọng xuống hồn thiêng liêng, kết tụ

Gió kín đáo trong cây thầm ủ rũ

Rồi không gian bỗng chuyển ý trầm tư

Tôi ngồi yên như núi, lặng như chùa

Mãi an trú trong chiều sâu hơi thở

Đất mẹ còn đây thương yêu phòng hộ

Hẹn chữa lành muôn vạn nẻo sầu thương

Từ nguồn tâm, năng lượng đã lên đường

Gây chuyển biến sâu xa hồn vũ trụ:

Lao xao không gian muôn vàn tinh tú

Tôi bỗng nghe lòng đất nở hoa tươi

Trong thân cây nhựa mạnh thúc đâm chồi

Nước chảy xiết thêm giữa lòng thác suối

Mùa thiên nhiên đã về, mang áo mới!

Tôi nghe mênh mông nắng reo đồng nội

Đất vùng quê khoai sắn lên tươi xanh

Hoa nở, chim ca, trái nặng trên cành

Sung túc quá, một mùa xuân vũ trụ!

Tôi linh cảm thấy loài người muôn xứ

Đang đứng lên, chèo chống giữa phong ba

Ủ nguồn nhân nơi tin tưởng chói loà

Lấp cạn hố phân chia và sầu khổ

Bông trí tuệ đang tưng bừng đua nở

Cây tình thương đang khoác áo xanh tươi

Hương tự do ướp lấy cánh hoa đời.

Tôi nghe không gian tiếng kêu rộn rã

Nghe vũ trụ tưng bừng trong cây lá

Cả loài người khoác áo mới tương thân

Và nơi đây, lấp loáng ánh sương trăng

Tiếng hoa lá hò reo bừng mạch sống.”

Mùa Nhân Loại Mang Áo Mới là một tác phẩm khác nói về hòa bình của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bài thơ không mô tả khung cảnh chiến tranh, không có sự chết chóc mà bài thơ nói về một thứ mùa, mùa của sự hòa bình. Bài thơ với thể thơ 8 chữ, những hình ảnh hướng về thiên nhiên và cuộc sống tươi đẹp, mang lại cho người sự bình yên trong tâm hồn. 

Khi chúng ta dừng lại việc tranh giành, đấu đá, bạo lực để mang về lợi ích để tĩnh tâm lắng nghe thế giới xung quanh, cảm nhận được sự hòa bình biết được niềm hạnh phúc từ một cuộc sống yên bình mang lại. Một mùa hòa bình là bao gồm cả “bông trí tuệ”, “cây tình thương” và “hương tự do” , những yếu tố ấy sẽ mang lại một cuộc sống không còn phân chia và sầu khổ. Bài thơ có thể hơi khó hiểu đối với các em nhỏ, nhưng những hình ảnh truyền tải trong bài phần nào gợi cho các em những cảm xúc về sự hòa bình. 

những câu thơ về hòa bình
Khung cảnh yên bình tĩnh lặng của thiên nhiên, mang đến cảm giác cho một cuộc sống hòa bình sẽ tươi đẹp thế nào.

3. Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng

Tác giả: Chế Lan Viên

“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

– Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…

Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả

Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!

Trái cây rơi vào áo người ngắm quả

Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn

Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ

Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn…

Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời

Cửa vẫn đóng và Đời im ỉm khoá

“Những pho tượng chùa Tây Phương” không biết cách trả lời

Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ…

Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!

Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn

Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ

Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng

Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ

Thịt xương ta giặc phơi ngoài bãi bắn

Lại tái sinh từ Pắc Bó, Ba Tơ…

Không ai có thể ngủ yên trong đời chật

Buổi thuỷ triều vẫy gọi những vầng trăng

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt

Gỗ trăm cây đều muốn hoá nên trầm

Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…”

Bài thơ Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng? của nhà thơ Chế Lan Viên trong tập thơ Hoa ngày thường-Chim báo bão (1967). Bài thơ với nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi anh hùng đã mang lại sự hòa bình, một đất nước ấm no hạnh phúc như hiện tại. Tổ Quốc luôn là tên gọi đẹp nhất trong mắt người Việt Nam, và để xây dựng một đất nước hòa bình thì cha ông ta đã trải qua biết bao nhiêu triều đại, bao nhiêu vị anh hùng kiệt xuất đã xuất hiện như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh,… 

Bài thơ còn nhắc đến sự đoàn kết của người dân, những tình ảnh với bao cảnh vật, khoáng sản mà đất nước mang lại. Là những mầm non tương lai, các em nhỏ hãy góp phần phần nhỏ để xây dựng đất nước từ những việc nhỏ nhất, học tập tốt, lao động tốt và biết ơn những chú bộ đội người đang giữ gìn hòa bình cho Tổ Quốc.  

4. Ngủ đi con ngủ cho say

Tác giả: Sưu tầm

“Ngủ đi, con ngủ cho say 

Ngủ đi, con ngủ cho say, 

Mẹ còn tay súng tay cày giương cao. 

Đổ mồ hôi, đổ máu đào, 

Giữ quê, biển rộng, trời cao trong lành.

Giữ nhà máy, giữ đồng xanh,

Chặn tay giặc Mỹ đang rình hại ta. 

Cha đi cứu nước cứu nhà. 

Mẹ “ba đảm nhiệm” thay cha mọi bề.”

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, câu nói của cha ông ta từ xưa nói lên để bảo vệ cho hòa bình dân tộc bất kể trai gái đều sẵn sàng tham gia chiến đấu, thậm chí là hi sinh . Những câu thơ về hòa bình trên như một điệu ca dao được đọc lên ru con ngủ vào thời chiến tranh kể về những người mẹ một tay bồng tay bế nhưng tay còn lại là giương cao ngọn súng chống lại giặc ngoại xâm, giữ bình yên cho tổ quốc và cho đứa con đang nằm trong tay mình. 

Bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ trong thời kỳ bom đạn khói lửa chiến tranh. Mang lại cho các em nhỏ một khía cạnh về thời ký chiến tranh và thêm yêu sự hòa bình đang có được ở hiện tại.

bài thơ về hòa bình và hữu nghị
Hình ảnh người phụ nữ sẵn sàng tham gia chiến đấu để giữ gìn sự hòa bình cho dân tộc.

5. Hữu Nghị Việt-Lào

Sáng tác: Hồ Chí Minh

“Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt – Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.”

Bài thơ của Chủ tích Hồ Chí Minh là một trong những bài thơ về hòa bình hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam và Lào, sáng tác vào tháng 3 năm 1963. Việt Nam – Lào đã cùng nhau giúp đỡ, chung sức đồng lòng vượt qua những giai đoạn khó khăn, gian khổ trong chặng đường đấu tranh gian khó giành độc lập tự do. 

Hòa bình và hữu nghị là nền tảng để xây dựng mối quan hệ hai nước láng giềng cùng nhau đạt được thắng lợi trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện tại và tương lai. Qua bài thơ thể hiện tầm quan trọng của tình đoàn kết hữu nghị và hòa bình giữa các quốc gia.

6. Mơ Ước Thế Giới Không Chiến Tranh

Tác giả: Nguyễn Thị Nam Phương

“Những người lính ngã xuống trong chiến tranh

Những thương binh ….thân thể chẳng vẹn lành

Những người vợ khóc chồng trong giá lạnh

Những trẻ em mồ côi … Bởi chiến tranh

Những nỗi đau do chiến tranh gây ra

Âm thầm … Dai dẳng … Mãi chẳng nhòa

Súng ống , đạn bom hay phóng xạ

Thương thay dị tật trẻ sinh ra

Dẫu cho Da vàng… Da trắng … Da đen

Màu da nào cũng muốn sống êm đềm

Mẹ cha nào cũng mong con lành lặn

Người vợ nào cũng thù ghét chiến tranh

Thế giới Hãy chấm dứt chiến tranh !

Nhân loại sẽ sống trong an lành

Trẻ em vui sống trong hạnh phúc

Trái đất vui tươi ngát màu xanh.”

Mơ Ước Về Thế Giới Không Chiến Tranh là bài thơ về em yêu hòa bình, nói về ước mơ về một thế giới không còn chiến tranh, chung sống hòa bình bất kể màu da chủng tộc. Trẻ em sẽ được sống trong một thế giới hạnh phúc, một hành tinh xanh hòa bình. 

Mở đầu bài thơ là những điều khủng khiếp do chiến tranh mang lại, những con người đã phải ngã xuống, những người thương binh còn sống sót nhưng phải mang trên thân thể nỗi đau dai dẳng, những gia đình mất cha những đứa trẻ mồ côi, hậu quả tàn dư do bom đạn. Không ai trên thế giới là không muốn sống một cuộc sống êm đềm.

những bài thơ về hòa bình
Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay giữa trời xanh. Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến. Ước mơ của mọi thế hệ là mang lại cuộc sống hòa hình cho những mầm non tương lai. 

7. Hòa Bình

Sáng tác: Xuân Diệu

“Hoà bình của chúng ta

Là đập lên đầu chúng nó,

Là nghiến chân trên sọ

Bọn ăn thịt loài người;

Lũ hút máu cuộc đời,

Giết cả loài chúng nó!

Hòa bình xanh biếc và son đỏ,

Nước ngọt với trời trong;

Nhà máy mới dựng xong,

Lúa vừa đóng sữa ngọt;

Mẹ hiền ru thánh thót,

Vợ trẻ ngực sinh sôi,

Chồng khoẻ mạnh cày vui,

Trẻ tươi cười mắt thỏ;

Vừng trăng sáng tỏ,

Dưới lá xanh ta nhỏ lời tình,

Bao nhiêu hạnh phúc hoà bình,

Vượt gian khổ chúng mình xây dựng.

Máu chúng ta tưới nhiều.

Đất hãy còn run rẩy;

Mồ hôi ta suối chảy,

Lúa phải nảy mầm lên;

Ngực chúng ta đập rền,

Giặc phải đền tội ác;

Hoà bình! Hoà bình trên lưỡi mác

Anh xung kích Việt Nam,

Tay ta đắp, ta làm

Những ngày mai ca hát.

Đứng tiền đồn Châu Á,

Triều Tiên với Việt Nam

Dưới một trời khói lửa

Tiếng bồ câu bay hứa Hoà bình.

Sáng ngôi sao từ điện Kem linh

Mỗi tia ấm vòng quanh thế giới.”

Bài thơ về hòa bình thế giới của nhà thờ Xuân Diệu được sáng tác năm 1954, là những lời thơ đánh thép, lên án những tội ác của bọn đế quốc thực dân xâm lược. Hòa bình được định nghĩa là nước ngọt, trời trong, là những nhà máy mới xây dựng , là lúa vừa đóng sữa ngọt, là gia đình đầy đủ mẹ cha và tiếng cười của trẻ thơ. 

Để giành được hòa bình cho Tổ quốc bao thế hệ cha ông ta đã phải đổ máu và mồ hôi trên mảnh đất này. Cuối bài thơ là hình ảnh cánh chim bồ câu mang lại biểu tượng hòa bình kết nối mọi đất nước trên toàn thế giới. Đây là một trong những bài thơ về hòa bình và hữu nghị hay và đáng để phân tích.

8. Đón Tin Hòa Bình

Sáng tác: Trần Hữu Thung

“Này con, loa gọi bốn bề

Ra đình cùng mẹ ta nghe tin này

Thật vàng trăm lạng cầm tay

Không bằng được một tin này con ơi

Cầm vàng còn sợ vàng rơi

Tin này nắm được đời đời ấm no

Cầm vàng còn nghĩ ai cho

Tin này tạc dạ bác Hồ tóc sương

Gian lao mấy chục năm trường

Gian lao tranh đấu dẫn đường cho dân

Tin này là nghĩa tương thân

Liên Xô, Trung Quốc ân cần giúp ta

Tin này công mẹ, công cha

Công anh, công chị, công bà con chung

Công bao chiến sĩ anh hùng

Đổ bao nhiêu giọt máu hồng mới nên

Thật cầm trăm lạng vàng nguyên

Không vui, không sướng bằng tin hoà bình”

Báo Tin Hòa Bình, bài thơ về hòa bình mô tả cảnh tượng báo tin về ngày đất nước được giải phóng, hòa bình và độc lập. Những so sánh trong bài thơ rất thú vị, tin báo hòa bình còn đáng quý hơn trăm lạng vàng nguyên, cầm vàng còn sợ rơi nhưng hòa bình sẽ giúp ta đời đời ấm no. 

Cầm vàng không biết ai cho nhưng hòa bình độc lập ngày nay nhờ công lao lãnh đạo của Bác Hồ và những người đã tranh đấu bao nhiêu năm để giành lại lãnh thổ. Hòa bình còn quý hơn vàng, dạy cho các bé biết quý trọng cuộc sống yên bình có được hiện tại và biết nhớ ơn những vị anh hùng dân tộc.

9. Chiến Tranh Và Hòa Bình

Sáng tác: Đoàn Nam

“Chiến tranh đã qua mấy mươi năm rồi

Với bố hoà bình vẫn chưa trọn vẹn

Và mẹ cơm vẫn vội vàng nuốt nghẹn

Khi vết thương trên cổ bố tái đau

Chiến tranh biên giới ở chỗ bắc cầu

Ác liệt lắm chúng con nào có biết

Nhìn bố đau con dễ dàng phân biệt

Hoà bình mới là cuộc sống thần tiên

Mỗi khi trời ốm bố như trở điên

Nước mắt mẹ chảy vòng ôm riết bố

Yêu cả nhà nên mẹ càng phải cố

Con cũng lệ tràn vừa sợ vừa thương

Cũng may bố vẫn về từ chiến trường

Rất nhiều người đã tham gia trận chiến

Nhiều người hy sinh xác không còn vẹn

Về với tổ tông dựng nước giữ nhà

Từng tấc đất đẫm máu những người cha

Quyết phải giữ nhưng xin đừng nôn nóng

Chiến tranh dập dình in hình in bóng

Hòa bình chờ quyết định của chúng ta

Dù hoà bình chỉ như làn sương giá

Chúng ta cũng đừng vấp ngã bỏ đi

Chỉ đến khi hoà bình chẳng còn gì

Cả dân tộc sẽ đều là Nguyễn Huệ

Mong hoà bình ở với người hậu duệ

Không tồn tại những vết xước chiến tranh

Từng mái nhà chỉ toàn tiếng cười xanh

Vui như thể cả đất trời vào hội.”

Bài thơ Chiến Tranh Và Hòa Bình là những trải nghiệm và suy nghĩ về chiến tranh và hòa bình. Chiến tranh tuy đã qua đi nhưng người lính vẫn còn lại những vết thương do chiến tranh mang lại, vẫn đau nhức mỗi khi mùa mưa gió về. Nhưng vẫn còn may mắn vì gia đình còn được gặp lại nhau, ngoài kia còn bao nhiêu gia đình thất lạc, mất đi người thân trong những cuộc chiến đấu giành hòa bình cho dân tộc. Tất cả là cho thế hệ tương lai có một cuộc sống hòa bình, dưới mỗi mái nhà đều rộn tiếng cười.

thơ về hòa bình thế giới
Đất nước ta đã trải qua biết bao gian khó và hy sinh để giữ lấy sự hòa bình, ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay.

10. Hòa Bình Ngày Đầu Tiên

Sáng tác: Phùng Khắc Bắc 

“Anh về lại ngôi nhà mình

Sau mười năm chiến tranh.

Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng,

Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng,

Mưa… Mưa… Mưa…

Mưa ngoài trời

Khắp nơi,

Mưa ngoài sân,

Nhưng cũng mưa cả trong nhà…

Sau lời mẹ là lời mưa reo ca…

Nhà dột.

Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột

Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng.

Mắc võng.

Lại mắc võng.

Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột.

Võng đưa sẽ ướt,

Nhưng đã có con mọt trong cột làm âm thanh đung đưa

Ngày xưa,

Chỗ ướt mẹ nằm, sau mười năm

Vẫn chỗ mưa mẹ đứng

Mẹ trao cho anh chiếc đèn và bảo

Đừng để ngọn lửa rụng!

Mẹ xếp những thùng, chậu, nồi, xoong…

Khúc nhạc mưa nhà dột tấu lên

Ru êm cánh võng.

Người lính nằm im,

Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng

Trong đêm hoà bình đầu tiên.”

Bài thơ Hòa Bình Ngày Đầu Tiên do Phùng Khắc Bắc sáng tác vào năm 1985, mười năm sau khi đất nước được giải phóng. Bài thơ như là một lời khép lại cho những năm tranh đấu dài dằng dặc đầy gian khó và ác liệt để mở ra một cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến xây dựng và phát triển giữ gìn nền hòa bình vừa đạt được. 

Bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh một người chiến sĩ trở về nhà sau cuộc chiến tranh, gặp lại mẹ và cũng là lúc cơn mưa bắt đầu, nhà dột. Chỉ còn khoảng khô ráo giữa hai chiếc cột đủ để mắc võng, anh nằm trên võng im lặng lắng nghe tưởng như về lại thời chiến tranh, lắng nghe âm thanh chiến tranh trong mình. Những suy nghĩ ngổn ngang, nỗi lòng thương mẹ trong những năm tháng chiến tranh. Chính sự mong đợi của mẹ là động lực để con trở về và chiến thắng của mẹ là đợi được con vẫn còn sống. Thái bình trong bài thơ là canh cua, rau mồng tơi và cà những điều bình dị đơn sơ nhất. Cuộc sống ấy mới là điều luôn mong ước. Bài thơ giúp nhận thức rõ ràng hơn về những cuộc chiến tranh những cảm xúc khi được trở về vòng tay mẹ và tận hưởng không khí hòa bình.

11. Gửi Nam Bộ Mến Yêu

Sáng tác: Xuân Diệu

“Máu người không có Bắc, Nam,

Một giòng thắm chảy từ chân đến đầu.

Lòng ta Nam Bắc có đâu,

Thương yêu chỉ một tình sâu gắn liền.

Bản đồ tổ quốc treo lên,

Bắc Nam gọi tạm tên miền địa dư.

Quê hương mẹ rất hiền từ,

Lòng yêu con cái đều như nước lành.

Miền Nam nước Việt lúa xanh,

Thịt xương ta với tâm tình của ta!

Tám năm khói lửa xót xa,

Kể khi Nam bộ, những là mười niên.

Cờ kháng chiến phất đầu tiên,

Cờ thành công sẽ phất lên cuối cùng.

Địch còn tạm đóng Mê Kông,

Một ngày ruột nấu gan nung một ngày.

Ngoài ta đã sáng trời mây,

Trong ta xót nỗi bóng dày còn che.

Nhưng miền Nam hỡi! lắng nghe

Non sông, Tổ quốc luôn kề gần bên;

Sức ngày đã thắng bóng đêm,

Sáng trời sẽ sáng đều trên đất này.

“Thành đồng Tổ quốc” vững xây,

Lời cha ghi giữa nếp bay cờ hồng.

Từ ngày chiếc gậy tầm vông,

Cài răng lược, giữ ruộng đồng về ta;

Nó giành, ta lại giật ra,

Tấc sông, tấc đất hoà pha máu đào:

Lòng giữ chắc, chí nêu cao,

Bom rơi đạn nổ ào ào, chẳng lay!

Hoà bình càng siết chặt tay

Giữ liền ruộng đất, trời mây, cõi bờ;

Giữ nguyên sông núi cụ Hồ,

Ngàn năm Nam Bộ cơ đồ Việt Nam.”

Bài thơ do nhà thơ Xuân Diệu sáng tác in trong tập Ngôi Sao 1995, tác giả viết về một miền Nam yêu dấu. Trong bài thơ là tình yêu quê hương đất nước thời chiến tranh và khát vọng hòa bình cho hai miền Bắc Nam chung một dòng máu. Lời thơ là những đấu tranh kiên cường bất khuất, giữ vững thành đồng Tổ quốc. Cuối bài là sự tin tưởng về một nền hòa bình độc lập trọn vẹn của cả đất nước.

bài thơ về hòa bình
Hình ảnh ngày thắng lợi kết thúc chiến tranh, đất nước hoàn toàn giải phóng.

12. Nguyên Tiêu 

Sáng tác: Hồ Chí Minh

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

Dịch thơ:

“Rằm tháng giêng

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”

Nguyên Tiêu có nghĩa là rằm tháng giêng, được sáng tác bởi Bác Hồ vào đúng đêm rằm tháng giêng năm Mậu Tý (1948) nằm trong chùm thơ chữ Hán viết tại chiến khu Việt Bắc. Bài thơ mô tả đêm trăng và cảnh bàn việc quân trên sông. Sáng tác sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947, sang xuân hè năm 1948 lại thắng lớn trên đường số Bốn. 

Trong không khí chiến thắng ấy, bài thơ được sáng tác và đăng tải trên báo cứu quốc như một đóa hoa xuân nở rộ giữa chiến cuộc căng thẳng. Như sự hòa quyện của hòa bình và chiến tranh, tuy ngoài kia vẫn đang đấu tranh từng ngày nhưng trong lòng mỗi người là một mảnh yên bình riêng. Bài thơ Nguyên Tiêu cũng vậy, hòa quyện giữa chiến sĩ và thi sĩ, mô tả cảnh đêm trăng với nghệ thuật dùng ba từ xuân liên tiếp mô tả cảnh vật khác nhau. Hình ảnh ánh trăng đầy thuyền, như ẩn dụ cho con thuyền cách mạng mang đến sự hòa bình cho đất nước.  

13. Quê Hương

Sáng tác: Giang Nam

“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

“Ai bảo chăn trâu là khổ?”

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được…

Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích…

Cách mạng bùng lên

Rồi kháng chiến trường kỳ

Quê tôi đầy bóng giặc

Từ biệt mẹ tôi đi

Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

Giữa cuộc hành quân không nói được một lời

Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại…

Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…

***

Hoà bình tôi trở về đây

Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày

Lại gặp em

Thẹn thùng nép sau cánh cửa…

Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…

Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích, em ơi!

Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi…

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi!”

Bài thơ Quê Hương của tác giả Giang Nam kể về câu chuyện giữa hai người quen biết nhau từ thuở còn thơ, tình cảm của họ cũng phát triển theo trường kỳ kháng chiến. Từ những ngày trốn học bị đòn roi đến khi nắm tay nhau cười khúc khích. Nhưng bỗng một ngày nhận được tin người con gái ấy đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ du kích, lòng tác giả như “chết nửa con người”. 

Dù đã mất nhưng một phần máu thịt của em vẫn lưu giữ lại non sông. Định nghĩa quê hương không chỉ là khung cảnh thanh bình kỷ niệm tuổi thơ mà còn là sự hy sinh của bao người để giữ gìn sự hòa bình. Bài thơ cho thấy nỗi đau của chiến tranh đồng thời cho thấy cái giá để đạt được một đất nước hòa bình ổn định như hiện nay vì vậy các em phải biết trân trọng những gì hiện tại. 

14. Biết quý nước là nhờ cơn khát (Water, is taught by thirst)

Sáng tác: Emily Dickinson

“Water, is taught by thirst;

Land – by the Oceans passed.

Transport – by throe –

Peace – by its battles told –

Love, by Memorial Mold –

Birds, by the Snow.”

Bản dịch:

“Biết quý nước là nhờ cơn khát

Đất vô ngần khi vượt Biển bao la.

Trải qua khổ đau mới thấu niềm Hạnh Phúc

Hòa Bình quý giá sau những cuộc chiến tranh-

Tình Yêu chỉ thực khi đã thành Kỷ Niệm—

Và chỉ có những bông Tuyết

Mới thấu hiểu những con Chim.”

Một trong những bài thơ nói về hòa bình thế giới được dịch từ tiếng Anh của nữ thi sĩ tài hoa Emily Dickinson. Bài thơ giàu hình tượng và đầy tính biểu trưng. Người ta nhận ra tầm quan trọng của nước chỉ khi khát, những người lâu ngày di chuyển trên biển mới biết quý giây phút đặt chân trên đất liền. 

Phải trải qua đau đớn mới biết ý nghĩa của hạnh phúc, phải trải qua mất mát mới càng thêm yêu thương. Cũng vì lẽ đó, phải trải qua những ngày tháng chiến tranh gian khổ thì chúng ta mới hiểu được định nghĩa của hai từ hòa bình. Bài thơ kết câu với hình ảnh Những con chim và mùa tuyết rơi, nhắn nhủ chúng ta phải biết quý trọng những thứ lớn lào và cả những điểm yên ả, bình dị xung quanh mình. 

Những bài thơ về hòa bình hay và ý nghĩa giúp trẻ cảm nhận về sâu sắc hơn về nền hòa bình và những cuộc chiến tranh đất nước ta đã trải qua để có được ngày hôm nay. Nhớ theo dõi POPS Kids để cập nhật thêm các bài thơ về những chủ đề khác nhé.

  • TẢI POPS KIDS